Những thay đổi lớn về lối sống là chìa khóa để kiểm soát tiểu đường

Những thay đổi lớn về lối sống là chìa khóa để kiểm soát tiểu đường

Tác giả nghiên cứu Mathias Ried-Larsen cho biết, can thiệp tích cực có tác động tốt tới mức một nửa số người trong nhóm can thiệp không cần phải dùng các thuốc hạ glucose để duy trì hoặc thậm chí cải thiện kiểm soát đường huyết.

Vậy, can thiệp tích cực gồm những gì? Bệnh nhân được yêu cầu tập thể dục từ 5-6 lần/tuần, 30-60 phút mỗi phần. Tại thời điểm bắt đầu, huấn luyện viên sẽ giám sát việc tập luyện, song dần dần bệnh nhân sẽ tự tập. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ thực hiện chế độ ăn chú trọng vào thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa, nhiều hoa quả và không sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Đây là chế độ ăn được thiết kế để bệnh nhân giảm cân.

Nghiên cứu gồm gần 100 người ở Đan Mạch. Tất cả đều bị tiểu đường týp 2 dưới 10 năm và không ai bị biến chứng do bệnh này. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 55 tuổi và gần một nửa là phụ nữ. Mức A1C trung bình lúc bắt đầu nghiên cứu là 6,7%. Những người tham gia được chia ngẫu nhiên vào nhóm chăm sóc tiêu chuẩn hoặc nhóm can thiệp tích cực.

Kết quả cho thấy, sau 1 năm nhóm can thiệp tích cực giảm 5,8kg so với 1,8kg ở nhóm chăm sóc tiêu chuẩn. Nồng độ cholesterol LDL, triglyceride giảm và cholesterol HDL tăng nhiều hơn ở nhóm can thiệp tích cực so với nhóm chăm sóc tiêu chuẩn. A1C trung bình giảm từ 6,65% xuống 6,34% ở nhóm can thiệp tích cực, ở nhóm chăm sóc tiêu chuẩn mức giảm là từ 6,74% xuống 6,66%. Ngoài ra, ¾ số bệnh nhân trong nhóm can thiệp cần dùng ít thuốc tiểu đường hơn so với tỉ lệ ¼ ở nhóm chăm sóc tiêu chuẩn.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association ngày 15/8.

BS P.Liên

(theo Univadis/Healthday)