Khi bị ho kéo dài nên làm gì?

Xin hỏi bác sĩ liệu tôi có bệnh gì không và nên phải làm gì?

Nguyễn Thủy Nguyên (Hải Phòng)

Ho là cơ chế bảo vệ tốt của bộ máy hô hấp, đôi khi rất hữu ích nên phải tôn trọng. Trong trường hợp ho cấp dưới 3 ngày mà không có sốt, không kèm theo đau ngực, không khó thở, không khạc đờm máu, mủ, thì không cần dùng thuốc. Phải dè chừng khi ho có kèm theo sốt, khó thở, tím tái, ho kéo dài, suy kiệt..., bệnh nhân cần được khám xét cẩn thận. Người bệnh ho trên 5 ngày, bất luận là tình trạng ho thế nào thì cần phải đi khám ngay. Nếu ho kéo dài hơn 3 tuần, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm...

Đối với bệnh nhân có tiền sử hen, lao phổi, tăng huyết áp, đau dạ dày, sụt cân nhiều nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc như: hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi... Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh. Người bệnh cần năng luyện tập thể dục thể thao phù hợp, ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng, rèn luyện tính thích nghi với thời tiết, khí hậu, tạo môi trường sống trong sạch. Bệnh nhân ho nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa), tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, phấn hoa, lông súc vật..., không ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nên xông hơi nóng cho đường mũi họng bằng tinh dầu bạc hà, khuynh diệp. Việc hít ngửi hơi nóng sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc, giúp khạc ra đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh, ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm hệ miễn dịch.

BS. Nguyên Diễn